Không ai có thể ngờ rằng đại dịch có thể ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch kéo dài với quy mô lớn hơn nhiều so với dự báo. Những làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới và các biện pháp nhằm hạn chế lây nhiễm áp đặt lên đời sống xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại, vận hành và phát triển của nhiều quốc gia. Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa thể khẳng định bao giờ đại dịch chấm dứt và việc phải chung sống với COVID-19 dường như là một thực tại hiện hữu.
Ở hầu hết các quốc gia, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tập trung nguồn lực chủ yếu vào ngăn chặn sự bùng phát, lây lan và chữa trị người bệnh, song ít chú ý đến hệ lụy của đại dịch đối với sức khỏe tinh thần. Những biện pháp phòng, chống đại dịch được các quốc gia áp dụng khó có thể hàn gắn được những đổ vỡ và sang chấn tâm lý mà người dân trải qua.
Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Sang chấn tinh thần, rối loạn lo âu, trầm cảm…, giới y học nước ta đã có những nghiên cứu bước đầu và đưa ra cảnh báo về nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần do COVID-19:
Dịch bệnh COVID-19 là một sang chấn tâm lý nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, dẫn đến trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc. Nhiều người lo sợ, e ngại đến nơi công cộng, thu mình không muốn giao tiếp, thậm chí tự gây chấn thương, hủy hoại bản thân. Việc cách ly tại nhà, không ra ngoài trong thời gian dài dẫn đến những căng thẳng, hoang mang, lo âu, trầm cảm. Tình trạng cáu giận, dễ kích động, cô đơn, cảm giác mất mát diễn ra khá phổ biến. Người dân sinh sống trong những nơi có dịch, khu bị phong tỏa, cách ly là những đối tượng dễ bị tác động tâm lý. Bệnh nhân mắc COVID-19 và những người phải nhập viện rơi vào tâm trạng lo sợ, hoang mang, luôn nghĩ đến cái chết.